Dậy thì là bước ngoặt lớn trong việc thay đổi tâm, sinh lý; là giai đoạn quan trọng đánh dấu sự chuyển mình từ một đứa trẻ trở thành một người trưởng thành. Vì thế, chăm sóc sức khỏe tuổi dậy thì cho con là điều mà các bậc phụ huynh quan tâm trong giai đoạn này.
Để đồng hành cùng phụ huynh trong việc dậy thì của con, chúng tôi sẽ giải đáp 1 số câu hỏi thường gặp nhằm giúp bạn hiểu rõ hơn về tâm, sinh lý trong giai đoạn “ẩm ương” này.
Dậy thì bắt đầu ở độ tuổi nào?
Đối với nữ giới
Độ tuổi dậy thì của nữ thông thường sẽ bắt đầu trong giai đoạn từ 10 – 11 tuổi, lúc này hormone sinh dục sẽ phát triển một cách mạnh mẽ. Sau khi trải qua những sự phát triển, tuổi dậy thì sẽ bước vào giai đoạn kết thúc trong khoảng từ 15 – 17 tuổi.
Do vậy, thời gian dậy thì của nữ hầu như được diễn ra trong vòng khoảng 5 năm. Nếu như các bé gái dậy thì trước 10 tuổi được coi là dậy thì sớm, ngược lại nếu bắt đầu từ 14 tuổi trở lên sẽ là dậy thì muộn.
Đối với nam giới
Tuổi dậy thì ở nam thường sẽ bắt đầu trong khoảng 12 – 14 tuổi, muộn hơn nữ giới. Và giai đoạn từ 16 – 18 tuổi sẽ là thời điểm kết thúc tuổi dậy thì của bé trai.
Do đó, nếu đã bước qua tuổi 14 mà các bạn nam vẫn chưa có dấu hiệu phát triển thì chứng tỏ đã dậy thì muộn.
Dấu hiệu dậy thì của con?
Đối với nữ giới
- Đầu ngực to ra và mềm, một bên ngực bắt đầu phát triển trước một vài tháng so với bên còn lại.
- Có lông nách. Tuy giai đoạn này lông mọc tại vùng da dưới cánh tay có màu đen và khá cứng, nhưng số lượng sẽ không quá nhiều, một số bé gái còn xuất hiện cả lông ở nhiều khu vực khác hoặc ria mép.
- Bộ phận sinh dục không chỉ thay đổi về màu sắc mà còn bắt đầu tiết ra khí hư (hay còn gọi là dịch âm đạo), lông mu xoăn và thô.
- Kinh nguyệt xuất hiện, thường bắt đầu từ 12 – 13 tuổi. Chu kỳ kinh nguyệt trong 1 – 2 năm đầu dậy thì hầu như không đều, và dễ gặp hiện tượng rối loạn kinh nguyệt.
- Thay đổi về cơ thể: Phát triển nhanh chóng về chiều cao, mỗi năm có thể cao lên từ 6cm – 8cm. Thêm vào đó, cân nặng cũng bắt đầu tăng, hình dáng của cơ thể thay đổi nhiều (khung xương to lên, vùng thắt lưng nhỏ lại, phần hông rộng ra…), cơ thể dễ đổ mồ hôi.
- Trên da có mụn trứng cá và bã nhờn, có thể kéo dài từ lúc bắt đầu độ tuổi dậy thì cho đến khi đã trưởng thành hoàn toàn.
- Giọng nói của nữ giới trong độ tuổi dậy thì trở nên nhẹ nhàng trong trẻo hơn, âm vực cũng trở nên cao hơn.
- Buồng trứng hoạt động, bắt đầu thời điểm phóng noãn, rụng trứng và có khả năng sinh sản.
- Tâm lý, tính cách cũng bắt đầu thay đổi.
Đối với nam giới
- Sự thay đổi ở cơ quan sinh dục: Dương vật phát triển chiều dài trước rồi mới tới chiều ngang, tinh hoàn tăng kích thước lớn hơn, phần bìu trở nên mỏng và sẫm màu hơn trước.
- Xuất hiện lông trên cơ thể. Ban đầu ở gốc dương vật chỉ mọc một ít lông tơ sáng màu, nhưng càng về sau sẽ càng thô và xoăn. Ngoài ra, lông cũng sẽ xuất hiện ở nhiều vị trí khác bao gồm chân tay, ngực, rốn, có râu trên mặt.
- Xuất tinh, mộng tinh: Lần xuất tinh đầu tiên chính là cột mốc đánh dấu tuổi dậy thì ở nam, và thường diễn ra khi các bé trai khoảng 13 tuổi. Hiện tượng mộng tinh (xuất tinh không kiểm soát khi ngủ) cũng bắt đầu xuất hiện nếu bạn nam có những giấc mơ “nhạy cảm”.
- Cơ bắp phát triển, chân tay vạm vỡ hơn, ngực nở.
- Có hiện tượng vỡ giọng, giọng nói trở nên trầm hơn trước.
- Mụn và bã nhờn có thể nổi trên da mặt, vùng lưng trong độ tuổi dậy thì của nam.
- Dương vật cương cứng không có chủ ý, xuất tinh ngoài ý muốn, bắt đầu có chức năng sinh sản.
- Tâm lý, tính cách cũng bắt đầu thay đổi.
Tâm lý của trẻ trong giai đoạn dậy thì thay đổi như thế nào?
Rối loạn cảm xúc
Trẻ đang độ tuổi dậy thì thường nhạy cảm hơn, cảm xúc dễ thay đổi hơn như chuyển từ cảm xúc hưng phấn sang ức chế một cách nhanh chóng hoặc ngược lại, lúc thì buồn, lúc thì vui.
Trẻ thường xuyên mất tập trung, hay quên, dễ bị sốc trước những lời chọc ghẹo và hay suy diễn lung tung, nghĩ tiêu cực.
Bị stress
Dậy thì là giai đoạn chịu nhiều áp lực từ học tập, gia đình, bạn bè… Nhiều trẻ đã có những suy nghĩ tiêu cực về vóc dáng của mình hay về trình độ của bản thân, hình thành các mong muốn vượt quá khả năng bản thân và gia đình. Lâu ngày dẫn đến tình trạng stress.
Ám ảnh về ngoại hình
Trẻ có thể bị ám ảnh về ngoại hình và bắt đầu quan tâm, chăm sóc cơ thể. Mong muốn mình có thân hình đẹp, làn da mịn màng. Điều này có thể dẫn đến việc ăn kiêng không khoa học, khiến sức khỏe bị ảnh hưởng.
Muốn thử điều mới lạ
Trẻ trong giai đoạn dậy thì thường tò mò về nhiều điều xung quanh và muốn thử nó. Có thể là thử hút thuốc, thử uống rượu bia, thậm chí là sử dụng ma túy, chất kích thích như một cách để chứng tỏ bản thân.
Trẻ dậy thì sớm hay muộn có ảnh hưởng tới sức khỏe không?
Dậy thì sớm hay muộn cũng đều ảnh hưởng tới sức khỏe của bé trai và bé gái.
Đối với dậy thì sớm
Khi bắt đầu dậy thì sớm, các nội tiết tố được sản xuất nhiều đến mức khiến trẻ tăng trưởng quá nhanh so với các bạn cùng trang lứa. Tuy nhiên, vì xương của trẻ trưởng thành nhanh hơn bình thường, trẻ cũng thường ngừng phát triển sớm hơn.
Trẻ bắt đầu dậy thì sớm trước các bạn cùng tuổi có thể dễ dẫn đến trầm cảm, tự ti, suy nghĩ tiêu cực hay rối loạn ăn uống và sử dụng các chất kích thích.
Trẻ dậy thì sớm do bất thường của hormone sinh dục có thể là nguy cơ tiềm ẩn một số bệnh như ung thư vú, ung thư dạ con, ung thư buồng trứng ở bé gái. Dậy thì sớm ở bé trai còn có thể dẫn đến vô sinh nếu không được điều chỉnh kịp thời.
Đối với dậy thì muộn
Dậy thì muộn không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bé gái khi trưởng thành. Sau khi dậy thì, bé gái sẽ vẫn có khả năng sinh sản bình thường. Vấn đề là các em dễ mặc cảm tâm lý (tự ti, hoang mang…) gây ảnh hưởng cuộc sống.
Với bạn nam, dậy thì muộn mà không điều trị sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển về thể chất. Hệ thống nội tiết không kích hoạt quá trình phát triển của cơ quan sinh dục nam khiến dương vật nhỏ, tinh hoàn teo, ảnh hưởng đến quá trình sinh tinh, dẫn đến vô sinh nam cũng như khả năng tổng hợp testosterone của tinh hoàn.
Đối với bé gái, kinh nguyệt không đều có ảnh hưởng tới sức khỏe không?
Kinh nguyệt là một trong những hiện tượng sinh lý bình thường ở nữ giới và có tính chất định kỳ hằng tháng. Thông thường, chu kỳ kinh nguyệt ở lứa tuổi dậy thì có sự thay đổi bất thường do hoạt động của buồng trứng chưa ổn định. Tình trạng này xảy ra ở năm đầu tiên khi bắt đầu hành kinh và nó không gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe.
Tuy nhiên, bạn vẫn nên chú ý đến hiện tượng kinh nguyệt không đều của con. Bởi tình trạng này kéo dài hơn 1 năm được xem là triệu chứng bất thường, cho thấy sức khỏe sinh sản đang gặp vấn đề.
Bố mẹ có cần đưa con đi khám khi đến tuổi dậy thì không?
Khi con đến tuổi dậy thì, bạn không cần quá lo lắng và không nhất thiết đưa con đi khám. Trong quá trình dậy thì, có thể cơ thể của con sẽ thay đổi theo hướng tiêu cực như rối loạn kinh nguyệt, xuất tinh sớm… Nhưng đây là biểu hiện bình thường của đa số mọi người.
Tuy nhiên, nếu con bạn dậy thì sớm hay muộn, hoặc có những biểu hiện lạ trên cơ thể thì cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Phụ huynh cần làm gì để chăm sóc sức khỏe tuổi dậy thì cho con?
Biết các thông tin về chăm sóc sức khỏe tuổi dậy thì. Những thông tin về cường độ phát triển, nhu cầu dinh dưỡng, chuẩn mực thẩm mỹ… phụ huynh cần liên tục cập nhật để tạo tâm thế sẵn sàng khi con bước vào tuổi dậy thì.
Đồng hành cùng con trong giai đoạn dậy thì. Điều này rất quan trọng để trẻ có thể trưởng thành toàn diện cả về mặt thể chất lẫn tâm lý. Bạn nên thường xuyên tâm sự, lắng nghe những câu chuyện mà con chia sẻ, và tôn trọng sự riêng tư của con.
Giúp con đối diện với sự thay đổi của mình. Đừng để con rơi vào cảm giác bối rối, lúng túng với những biến đổi về cơ thể mình. Vì thế, không phải khi con có kì kinh nguyệt hay lần mộng tinh đầu tiên cha mẹ mới vội vàng xử lý. Bạn nên trò chuyện cởi mở, tặng con sách về giáo dục giới tính, hay cùng nhau xem 1 bộ phim về giáo dục giới tính và bàn luận về nó.
Kết luận
Dậy thì là 1 bước ngoặt lớn trong cuộc đời mỗi người. Vì thế, chăm sóc sức khỏe tuổi dậy thì luôn cần có sự đồng hành của bố mẹ để con có thể chuẩn bị tâm lý vững vàng, không bị bối rối và vượt qua những khủng hoảng về tâm, sinh lý của mình.